BỆNH SỞI
Bệnh sởi là gì – đường lây
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh sởi thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.
Bệnh sởi chưa có thuốc đặc trị, bệnh tuy ít gây tử vong nhưng gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt là ở trẻ em suy dinh dưỡng…
Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh có thể lây truyền trước và sau khi bệnh nhân phát ban khoảng 4 ngày. Mọi người đều có thể bị mắc sởi và dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng sởi.
Biểu hiện của bệnh
- Sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não,… dễ dẫn đến tử vong.
- Ban sởi mọc từ ngày thứ 4-6 sau khi mắc bệnh, ban dát sần, ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, giữa các ban là những khoảng da lành. Ban mọc rải rác hay dính liền với nhau thành từng đám tròn 3-6 mm. Ban mọc theo thứ tự: ở sau tai, lan ra mặt, xuống đến ngực, tay, lan đến lưng, chân. Ban kéo dài 6 ngày rồi lặn theo thứ tự trên.
Làm gì để phòng bệnh hiệu quả
Để chủ động phòng bệnh sởi, khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Hãy đưa trẻ từ đủ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1. Và tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi trở lên.
2. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.
3. Không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, đũa,…), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
4. Lau sàn nhà, nắm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường từ 1-2 lần/ngày.
5. Khử trùng và vệ sinh thông khí: Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày./.
* Lịch tiêm chủng ngừa sởi cho trẻ:
1/ Mỗi trẻ đều cần phải tiêm 2 mũi vắc xin sởi:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi trở lên.
(Có thể tiêm cho trẻ lớn hơn 9 tháng tuổi và lớn hơn 18 tháng tuổi nếu bé chưa tiêm, tuy nhiên tiêm đúng lịch vẫn tốt hơn).
2/ Tại xã Đức Hòa Hạ, hàng tháng trạm y tế đều có tổ chức tiêm chủng cho các trẻ đến lịch tiêm sởi nếu riêng và tiêm tất cả các mũi tiêm khác trong chương trình tiêm chủng, tổ chức cụ thể như sau:
Do địa phương dân nhập cư tạm trú rất đông, nên trạm y tế tổ chức 01 đợt/tháng và phải tổ chức thành nhiều ngày tiêm, nên các bậc cha mẹ cần phải nộp sổ đăng ký tiêm để trạm y tế xếp lịch tiêm cho các bé.
- Ngày nộp sổ: Buổi sáng ngày 20 tây hàng tháng . Trường hợp 20 tây trùng vào thứ 7, chủ nhật thì nộp vào sáng thứ sáu trước đó, tức là 20 tây là thứ bảy thì nộp vào sáng thứ 6 là 19 tây, 20 tây là chủ nhật thì nộp vào 18 tây.
- Ngày nhận sổ : Ngày 23 tây , phụ huynh tranh thủ ghé trạm y tế để nhận lại sổ (Trên sổ có phiếu hẹn tiêm).
- Ngày bế bé tiêm ngừa : Phụ huynh vui lòng xem trên phiếu hẹn , trạm y tế có ghi cụ thể ngày tiêm, buổi tiêm (Sáng hoặc chiều), mũi tiêm (Vắc xin cần tiêm).
Vì sức khỏe con cháu mình, vì tương lai giống nòi, mong phụ huynh quan tâm bế bé đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch .